Sử dụng trắc nghiệm đánh giá như thế nào để hướng nghiệp?

Tin tức
Sử dụng trắc nghiệm đánh giá như thế nào để hướng nghiệp?

Chắc hẳn, ai trong số chúng ta khi làm công tác hướng nghiệp cho chính mình cũng tự hỏi “liệu mình có thể làm một bài test để thử nghiệm xem công việc này có thật sự hợp với mình hay không”. Tiếc rằng, không có một bài test kì diệu nào có khả năng chỉ ra cho bạn công việc bạn cần làm từ giờ cho đến khi nghỉ hưu. Tuy nhiên, sự kết hợp của các test trắc nghiệm nhân cách có thể phần nào giúp bạn đưa ra quyết định.

Trong giai đoạn tự đánh giá bản thân để lên kế hoạch nghề nghiệp, thu thập thông tin về bản thân để hiểu rõ chính mình là bước khởi đầu. Tự đánh giá bản thân đòi hỏi sự xem xét tổng quan và kĩ lưỡng về giá trị bản thân hướng đến, sở thích, nét tính cách và năng khiếu của chính mình.

  • Giá trị: Trả lời cho câu hỏi “điều gì là quan trọng với bạn?” – thành tích, địa vị hay sự tự chủ cuộc sống?
  • Sở thích: trả lời cho câu hỏi “điều gì khiến bạn hứng thú?” – chơi thể thao, đi dạo hay trò chuyện với bạn bè?
  • Nét nhân cách: trả lời cho câu hỏi “bạn có những đặc điểm tính cách nào?”, “động cơ gì đang thúc đẩy bạn?”, “nhu cầu và thái độ của bạn ra sao?”.
  • Năng lực: trả lời cho câu hỏi “Bạn có tài năng ở lĩnh vực gì?”. Ví dụ: viết lách, lập trình hay dạy người khác. Những năng lực này đôi khi có thể là bẩm sinh cũng có thể đã được qua đào tạo.

Rất nhiều người tìm đến các nhà tư vấn hướng nghiệp để giúp họ trong quá trình tìm hiểu và sử dụng các thang đo tự đánh giá. Trên thế giới hiện nay cũng đã có rất nhiều loại thang đo và công cụ khác nhau để người dùng có thể lựa chọn trong quá trình hướng nghiệp.

Thang đo giá trị

Giá trị sống là một trong những điều quan trọng nhất cần cân nhắc khi lựa chọn công việc. Nếu bạn không xem xét đến yếu tố này khi lên kế hoạch, rất có thể bạn sẽ hối tiếc với lựa chọn của mình và không thể thành công trong việc làm đó. Tưởng tượng xem, một người tôn sùng giá trị của sự tự do sẽ không thể vui vẻ làm một công việc mà ở đó họ bị mất đi sự độc lập.

Có 2 loại giá trị chính mà mọi người hướng đến: những giá trị bên trong và giá trị bên ngoài. Giá trị bên trong là những giá trị liên quan đến công việc, ý nghĩa của công việc với xã hội là gì. Giá trị bên ngoài là những tính chất hướng tới giá trị ngoài phạm vi công việc như mục tiêu vật chất, tìm kiếm thời cơ. Các thang đo về yếu tố giá trị sẽ có các câu hỏi như:

  • Mức lương cao có quan trọng với bạn không?
  • Công việc tương tác với mọi người có quan trọng với bạn không?
  • Làm việc mang lại giá trị cho xã hội có quan trọng với bạn không?
  • Sự uy tín trong công việc có quan trọng với bạn không?

Thang đo sở thích:

Các chuyên gia hướng nghiệp cũng thường xuyên sử dụng hoặc gợi ý khách hàng tìm đến các thang đo sở thích. Đây là các thang đo được tạo nên từ một loạt những câu hỏi liên quan đến ở thích cá nhân, nhà tâm lí học E.K.Strong là người đi tiên phong trong việc phát triển các thang đo này. Thông qua các dữ liệu thu được từ một cuộc khảo sát về nhân cách, sở thích và mục tiêu, ông đã nhận ra những người làm việc chung trong một ngành nghề thì chia sẻ những sở thích giống nhau.

John Holland cũng là một nhà tâm lí học đã sáng tạo ra hệ thống mã hoá để kết nối sở thích cá nhân với ngành nghề phù hợp dựa trên 6 kiểu nhân cách điển hình: người thực tế, người nghiên cứu, người nghệ sĩ, người xã hội hoá, người táo bạo và người qui củ. Khi thực hiện các test sở thích này, kết quả thu được sẽ là một nguồn tham khảo giá trị cho bạn trong quá trình đưa ra quyết định nghề nghiệp.

Thang đo nhân cách

Rất nhiều thang đo nhân cách đã được sử dụng trong quá trình tuyển dụng và hướng nghiệp này nay. Các thang đo này được xây dựng chủ yếu dựa vào lí thuyết nhân cách của Carl Jung chia các kiểu nhân cách cá nhân thành 2 loại chính là hướng nội và hướng ngoại. Nhà hướng nghiệp có thể sử dụng các thang đo nhân cách để xác định xem bạn thuộc nhóm hướng nội hay hướng ngoại, từ đó sẽ tìm những công việc phù hợp với đặc trưng nhóm nhân cách này. Ví dụ: những người hướng ngoại sẽ phù hợp với các công việc truyền thông và quảng cáo hơn là những người hướng nội.

Thang đo năng lực

Trước khi đưa ra quyết định sẽ làm việc trong lĩnh vực nào, bạn cần tìm hiểu chính năng lực của bản thân mình trước. Năng lực có thể là một năng khiếu thiên bẩn hoặc một tài năng bạn đã được học tập và mài giũa. Cùng với đó hãy cân nhắc những điều mà bạn hứng thú và tận hưởng khi làm. Thường thường, nhiều người có xu hướng tận hưởng và thích thú những gì họ có khả năng làm tốt.

Trong khi đó, hãy nghĩ đến cả việc liệu bạn sẽ sẵn sàng dành bao nhiều thời gian để nâng cao kĩ năng hoặc thậm chí là học hỏi một kĩ năng mới. Sẽ có 1 câu hỏi phát sinh bạn cần trả lời: nếu một công việc có đầy đủ tất cả tiêu chí và sự thu hút với bạn nhưng cần tận 10 năm  để học tập chuẩn bị cho nó thì liệu bạn có sẵn sàng cam kết thực hiện không?

Những yếu tố khác cần cân nhắc:

Trong quá trình đánh giá bản thân mình, hãy đồng thời xem xét những yếu tố khác ảnh hưởng đến việc ra quyết định của bạn. Ví dụ như, ngành nghề truyền thống của gia đình và trọng trách duy trì truyền thống đó của bạn, khả năng chi trả tài chính cho việc học nghề và đào tạo nghề của bạn là bao nhiêu. Hãy nhớ rằng quá trình đánh giá bản thân chỉ là bước đầu tiên trong việc chọn nghề mà thôi.